Lưu ý trước khi mua máy ảnh DSLR

Bài này thuộc phần 1 của 1 phần trong series Hướng dẫn chọn mua máy ảnh DSLR
  • Lưu ý trước khi mua máy ảnh DSLR

Máy ảnh DSLR hay Máy ảnh phản xạ ống kính đơn kỹ thuật số là thuật ngữ để chỉ dòng máy ảnh kỹ thuật số sử dụng hệ thống gương cơ học và hệ thống gương phản xạ để đưa ánh sáng từ ống kính tới ống ngắm ở phía sau máy ảnh. Nếu bạn có ý định mua một máy ảnh DSLR thì chắc chắn là bạn rất đam mê chụp ảnh và muốn chụp những bức ảnh đẹp.

Nhưng trước khi mua bạn cần một số lưu ý để tránh mua máy ảnh DSLR không phù hợp với nhu cầu hoặc không thể nắm bắt hết tính năng của sản phẩm. Hoặc không chỉ đơn giản là mua về chụp, bạn cần mua một số phụ kiện khác đi kèm để hỗ trợ trong việc chụp ảnh đẹp hơn. Nên trước khi mua cần chú ý một số lưu ý sau.

Nhu cầu chụp ảnh của bạn

Khi bạn mua một cái máy ảnh DSLR thì cần xác định rõ là bạn mua máy ảnh để chụp ảnh cho công việc, đi chơi…Từ đó có thể xác định rõ loại ảnh chụp mà bạn chụp như ảnh chân dung, phong cảnh, ảnh macro, ảnh thể thao… Bạn chụp trong điều kiện chụp như thế nào như thiếu sáng, nhiều sáng, ngoài trời hay trong nhà. Nếu bạn đã nắm rõ các thông số chụp ảnh như chọn ISO, độ mở ống kính, tốc độ chụp thì hẳn nhiên muốn đẹp thì bạn phải tùy chỉnh, còn không sẽ để tự động để máy tự chọn cho phù hợp. Bạn có phải là một người chưa có kinh nghiệm chụp máy ảnh dslr và bạn không ngại khi tìm một máy ảnh cho người mới hoặc một máy ảnh cũ để tập chụp để làm quen. Ngoài ra còn có một số yếu tố như khả năng zoom kĩ thuật số, khả năng chống rung… Và cuối cùng là số tiền bạn muốn bỏ ra để sắm một máy ảnh DSLR.

 

Máy ảnh DSLR

Kích thước của cảm biến ảnh

Chúng ta thường thấy người ta ghi các con số 2/3″, 4/3″, 1″, 1/1.8″ … khi nói kích thước cảm biến ảnh của máy ảnh. Các con số đó vẫn được hiểu là kích thước đường chéo của cảm biến ảnh. Nhưng thực tế những con số ấy không phải là chỉ số kích thước cảm biến, nó lớn hơn kích thước thật của đường chéo của cảm biến.

Kích thước cảm biến máy ảnh

Máy ảnh full-frame thực ra đó là máy ảnh sử dụng cảm biến có kích gần bằng khung hình chuẩn của máy ảnh film 35mm ngày xưa (36×24). Và máy ảnh Crop là gì? Nó là máy ảnh có cảm biến nhỏ hơn cảm biến máy film 35mm thường là 1.6 hoặc 1.5 lần có thể là 1.3 lần… Kích thước cảm biến ASP-S trên máy crop hiện nay thường là (23.6×15.6) mm. Thực tế cho thấy cảm biến ảnh càng lớn thì:

Cảm biến ảnh lớn thì ghi nhận nhiều ánh sáng hơn, độ phân giải cao hơn.

Cảm biến có diện tích lớn hơn sẽ ghi nhận lượng sáng lớn hơn và nhiều chi tiết ảnh hơn trong cùng điều kiện ghi hình. Cảm biến lớn hơn có thể chứa các điểm ảnh có kích thước lớn hơn.

Cảm biến lớn hơn giúp chụp trong môi trường ánh sáng yếu tốt hơn

DXO Mark thử kiểm tra hiệu năng chụp trong môi trường ánh sáng yếu của các máy số có kích thước cảm biến khác nhau, ở độ nhạy sáng ISO cao. Cách họ phân mức điểm là ở mức ISO cao nhất mà hình ảnh được tạo ra không bị nhiễu hạt. Họ có những thiết bị và thuật toán để xác định ranh giới nhất định của việc xuất hiện hạt nhiễu ở mức ISO tương ứng nào đó.

Dải tương phản động (dynamic range) rộng hơn với cảm biến lớn hơn

Không có công thức để đo dynamic range cho máy ảnh, hoặc rất khó. Trong một dải sắc độ, có những khi nhiễu hạt sẽ ảnh hưởng làm tối hình ảnh, thậm chí tại vùng thấp nhất của quang phổ, màu đen cũng mất “sự tinh khiết” đen của nó vì nhiễu hạt. Nghĩa là khả năng ghi nhận ánh sáng yếu quyết định một phần dải tương phản động. Mà kích thước cảm biến tỷ lệ thuận với khả năng ghi nhận ánh sáng, nên cảm biến càng lớn thì dải tương phản động càng rộng.

Kích thước cảm biến càng lớn, càng có khả năng tạo ảnh có trường ảnh mỏng (hậu cảnh mờ)

Chúng ta thấy giơ điện thoại lên chụp một cảnh rộng, kiểu gì thì cũng nét từ đầu đến cuối. Và nếu muốn hậu cảnh mờ, thì không có cách nào khác ngoài việc dí sát camera vào một vật thể nào đó. Kích thước cảm biến là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến vùng ảnh rõ.

Cảm biến ảnh lớn hơn ít nhiễu xạ hơn (diffraction)

Hiện tượng dễ thấy khi chụp với khẩu độ ống kính nhỏ, các tia sáng đi qua các góc cạnh vào cảm biến ảnh dễ bị bẻ gập nhiều nhất ở phía ngoài vành và ít nhất ở tâm thấu kính – nơi hai mặt thuỷ tinh gần như song song, các tia sáng bị tán xạ và làm ảnh hưởng chất lượng đến các tia sáng khác. Trong cùng điều kiện tán xạ, cảm biến ảnh lớn hơn, ghi nhận ánh áng nhiều hơn và tốt hơn, sẽ ít thấy nhiễu xạ hơn.

Cảm biến lớn hơn thì ảnh ít bị crop hơn

Có các hãng máy ảnh sản xuất máy DSLR full-frame song song với dòng DSLR crop sensor. Trong đó, hãng Canon có dòng DSLR crop sensor có hai tỷ lệ khuếch đại là 1.6x và 1.3x; các dòng máy DSLR crop sensor của Nikon, Sony và Pentax đều theo tỷ lệ khuếch đại 1.5x. Máy không gương lật thì có một số dòng lại dùng tỷ lệ khuếch đại 2x.

Thông thường mấy người dùng nghiệp dư khi vào nghề sẽ sử dụng và tập chụp với máy crop để tiết kiệm chi phí nếu kinh tế chưa cho phép. Còn đối với những người làm nghề nhiếp ảnh dịch vụ hay studio sẽ cố gắng lên dòng máy Fullframe để sử dụng tối đa khả năng của máy ảnh Fullframe.

Lợi ích của dòng crop hơn Fullframe có một vài điểm trong đó trong việc chụp thể thao hoặc động vật hoang dã từ khoảng cách xa, vì thông thường hệ số crop là 1.5 nó sẽ nhân tiêu cự lên khiến bạn tiếp cận gần chủ thể hơn. Canon sản xuất ra dòng 7D để đáp ứng tiêu chí này.

Nếu bạn là một người mới bắt đầu có thể bắt đầu với máy ảnh crop sau đó mới nâng cấp lên máy ảnh Fullframe để cảm nhận sự khác biệt. Còn nếu có nhiều tiền thì bạn có thể lên hẳn luôn Fullframe, dù gì chụp nhiều sẽ tích lũy thêm kinh nghiệm và kĩ năng.

Phụ kiện đi kèm

Bao đựng máy thường các nơi đều đã có bán hoặc tặng kèm bao đựng máy, tuy nhiên có thể bạn cần một chiếc bao đựng máy chuyên nghiệp hơn để bảo vệ tốt hơn máy ảnh của bạn hoặc có thể là túi đựng máy trong điều kiện ẩm ướt, chụp dưới nước…

Thẻ nhớ: các máy ảnh trên thị trường đều không bán kèm thẻ nhớ, nhưng hầu hết các siêu thị, cửa hàng sẽ tặng kèm bạn một thẻ nhớ, tối thiểu 4GB. Tuy nhiên, với 4GB thẻ nhớ thì không thể nào đủ cho bạn chụp nhiều shot hình, đặc biệt là nếu bạn mới tập chụp hoặc cần chụp nhiều để lựa chọn rồi chỉnh sửa. Nên sẽ cần một thẻ nhớ tốt, có dung lượng lớn và có thể là chuẩn Class 10 để cho tốc độ đọc ghi cao, có thể sử máy ảnh trong một số trường hợp chụp nhiều ảnh một lúc hoặc là quay video độ phân giải cao.

Pin/Sạc phụ: Nếu bạn có một buổi chụp hoặc một ngày chụp với nhiều shot ảnh thì việc sắm thêm pin và sạc phụ là điều cần thiết. Vì có thể bạn phải chụp ở một nơi xa, sẽ tốn thêm thời gian và công sức nếu chỉ vì máy ảnh hết pin.

Ống kính: Ngoài body máy ra, thì có lẽ là vật rất rất quan trọng để chụp ảnh. Ống kính dành cho máy ảnh DSLR rất phong phú và có nhiều loại, tuy nhiên nếu là lần đầu mua máy ảnh loại này, bạn nên sử dụng ống kính bán kèm theo máy, hoặc một bộ lens kit EF-s 18-55 f3.5-5.6 II với máy Canon. Nhưng nếu bạn đã có kinh nghiệm chụp và không muốn sử dụng lens kit kèm máy có thể chỉ lấy body và mua một lens cao cấp hơn tùy theo dòng máy của bạn và theo nhu cầu chụp của bạn như chụp chân dung hay chụp phong cảnh…

Kính lọc Filters (và các dụng cụ kèm lens khác): Khi bạn mua máy ảnh DSLR, người bán sẽ thường tư vấn cho bạn nên mua thêm kính lọc kèm theo để bảo vệ ống kính và tạo một số hiệu ứng chụp ảnh nhất định. Một số filter phổ biến là: UV (Ultra Violet), dùng để cản tia cực tím tác động làm ảnh bị mù, dùng trong những trường hợp muốn chụp ảnh trong, rõ trong sương mù; MC (Multicoating), kính được tráng lớp hóa chất chống lóe, chống chói để giúp bạn chụp những bức ảnh ngược sáng không bị lóe; MCUV: kết hợp cả 2 tác dụng trên; Sky light: kính giúp lọc hiện tượng áp sắc xanh bầu trời; ND: kính xám trung tính, có tác dụng cản bớt cường độ ánh sáng…; Polarizing: Lọc bớt bóng phản chiếu do ánh sáng mặt trời; CPL: Dùng để chụp bầu trời xanh (hơn), giảm bớt độ phản xạ (chói) của kính và nước; GND: Dùng để giảm tốc độ chụp (để ảnh không chói khi chụp mặt trời, chụp dòng nước chảy như lụa, cản ánh sáng để bầu trời và mặt đất sáng gần như nhau…). Nếu không có nhu cầu chụp các hiệu ứng đặc biệt như lọc màu, star…, thì bạn vẫn nên mua bộ lọc UV hoặc Sky Light gắn thường trực trên ống kính để bảo vệ ống kính trong trường hợp va chạm, cọ quẹt, bụi, nước…

Giá đỡ máy ảnh (Tripods/Monopods): Giá đỡ máy ảnh giúp bạn cố định máy ảnh để tránh bị rung máy, hoặc dùng khi cần chụp dạng “hẹn giờ” để chụp phơi sáng chẳng hạn. Giá đỡ máy ảnh rất cần thiết với người chụp ảnh, nhất là khi bạn cần chụp ảnh với các ống tele rất nặng tay, nên mua loại cứng chắc phụ hợp, có thể thay đổi chiều cao để phù hợp cho nhiều điều kiện chụp khác nhau.

Đèn flash phụ: Cái này là cần thiết khi bạn chụp vào những điều kiện thiếu sáng nhất định và kĩ năng của bạn đã được nâng cao.

Tấm hắt sáng (Reflectors): thường dành cho những người hay chụp ảnh chân dung, tấm hắt sáng sẽ giúp bạn tạo ánh sáng tản đều trên chủ thế, hoặc ánh sáng lấp đầy chủ thể, ánh sáng ven mái tóc… Tùy nhu cầu có thể bạn sẽ phải dùng vài tấm hắt sáng để đạt hiệu quả mong muốn. Nhưng cái này thường với chụp ảnh chuyên nghiệp vì bạn cần người hỗ trợ chứ không thể nào một mình làm quá nhiều việc.

Đọc các bài đánh giá máy ảnh

Trước khi mua một chiếc máy ảnh DSLR, hẳn bạn sẽ dành một thời gian để tìm hiểu các mẫu máy ảnh xem chiếc nào phù hợp dựa trên các bài đánh giá từ các trang như vnphoto, vuanhiepanh, vietdesigner hoặc các video review dựa vào các nhiếp ảnh gia, chuyên gia về máy ảnh. Không nên chỉ dựa vào lời người bán hàng, bởi đa số họ không biết sâu về máy ảnh, và có thể họ đang muốn “gợi ý” bạn đến một mẫu máy nào đó.

Khảo sát giá

Khi bạn đã quyết định được số tiền mua máy, chọn được mẫu máy phù hợp thì đến lúc bạn tìm nơi có giá bán tốt nhất, kiểm tra thử cửa hàng đó có phải bán hàng chính hãng do nhà phân phối chính thức không như nhà phân phối Lê Bảo Minh phân phối sản phẩm Canon. Nếu mua được giá tốt thì bạn có thể dành số tiền đó mua thêm phụ kiện hỗ trợ cho việc chụp ảnh. Ngoài ra, để chắc chắn cửa hàng có sản phẩm sẵn bạn nên điện thoại trước để hỏi và không quên hỏi quà tặng kèm theo máy.

Kinh nghiệm mua máy ảnh cũ

Nếu bạn mua một máy ảnh mới thì có thể tìm nơi uy tín, giá cả phải chăng. Tuy nhiên nếu bạn kinh tế hạn hẹp muốn mua một máy ảnh cũ thì cần có kinh nghiệm về máy ảnh, hoặc nhờ hỗ trợ từ một người có kinh nghiệm để lựa chọn hay kiểm tra máy ảnh về số shot, màn trập, ống kính… Và cuối cùng là có hiểu biết về thị trường máy cũ để định giá chiếc máy ảnh cũ đó cho phù hợp.

Kết luận:

Bài viết dựa theo những thông tin, bài viết trên mạng và những hiểu biết cá nhân. Mong là từ những lưu ý này, bạn có thể tìm được một chiếc máy ảnh DSLR cho riêng mình, phù hợp với nhu cầu và túi tiền.

 

Chia sẻ bài viết

Add Comment