- Hướng dẫn mua hàng trên mạng
1. Giới thiệu về mua hàng trên mạng.
Ngày nay với sự phát triển của internet các sản phẩm của internet cũng phát triển theo, và xu thế hiện nay với nhiều trang thương mại điện tử, con người ta thường có xu hướng chuyển dịch từ mua hàng trực tiếp sang mua hàng online đối với một số sản phẩm. Chỉ cần ngồi nhà và cú click là có thể mua món hàng mà mình mong muốn.
Bạn có nằm trong xu thế đó không, bài viết sau đây của mình sẽ nêu ra những ưu điểm nhược điểm, để có thể tận dụng được hình thức gioa dịch thuận lợi này. Mua được món hàng mình muốn với giá rẻ nhất.
2. Ưu điểm, nhược điểm
Ưu điểm:
Đối với người bán hàng
- Khách hàng và người bán hàng dễ kết nối với nhau vượt qua mọi khoảng cách về địa lý. Người bán có món hàng cần bán, và người mua cần mua hàng. Họ gặp nhau trên các kênh bán hàng thương mại điện tử. Chỉ vài cú click là có thể mua bán hàng cho nhau.
- Người bán hàng không cần tốn tiền đầu tư vào cửa hàng, đầu tư vào hàng hóa quá nhiều, giảm được chi phí marketing cho cửa hàng, tiền điện nước, tiền nhân viên. Giảm tối thiểu được chi phí, tối ưu hóa được doanh thu.
- Giá sản phẩm không bao gồm các chi phí thu thêm nên có thể rẻ hơn, cạnh tranh hơn các cửa hàng offline.
- Người bán hàng cũng có thể thông qua cửa hàng của mình kèm bán hàng online để gia tăng uy tín niềm tin cho khách hàng, tăng số lượng hàng bán ra nhiều hơn, đồng thời bán hàng qua mạng cũng là một cách marketing thương hiệu rộng hơn.
- Người bán hàng không cần trữ quá nhiều hàng, đôi khi họ chỉ là trung gian cho việc giao dịch hàng hóa, giữa người mua và nhà phân phối.
- Tận dụng được các kênh vận chuyển của các website thương mại điện tử, giảm thiểu tối đa vận chuyển hàng hóa đến tay khách hàng, giảm được tỉ lệ khách đặt hàng mà không mua. Ví dụ như các cửa hàng trên shopee có trợ giá khi vận chuyển.
- Nhà bán hàng sẽ tận dụng được các chương trình khuyến mãi giảm giá của các site thương mại điện tử để có thể marketing thương hiệu, marketing được nhãn hàng, tăng số lượng người mua, khách hàng trung thành.
- Khi liên kết với các trang thương mại điện tử, sẽ được hưởng những ưu đãi dành cho nhà bán hàng như tận dụng được các chương trình tiếp thị liên kết từ trang thương mại điện tử với các đối tác tăng nhiều người mua hàng. Tận dụng được phương thức thanh toán, hỗ trợ vận chuyển, tối ưu hóa được lợi nhuận nhiều hơn.
Đối với người mua hàng
- Người mua hàng có thể mua được món hàng họ cần chỉ cần vài cú click đặt hàng, điền thông tin, là có thể nhận được hàng sau vài ngày tùy theo khoảng cách của họ đến nhà bán hàng.
Dễ dàng mua được nhiều món hàng, mẫu mã giá cả đa dạng, đôi khi có thể mua rẻ hơn rất nhiều so với nơi họ đang ở. - Khi mua hàng trên các trang thương mại điện tử đôi khi có thể có mã giảm giá từ nhà bán hàng, từ chính website thương mại điện tử tung ra để khách hàng mua sắm, có thể mua rẻ hơn rất nhiều so với giá gốc.
- Có thể tiếp cận hàng ngàn khuyến mãi, từ các ngành hàng, sản phẩm, nhà bán hàng.
- Có nhiều thương hiệu, sản phẩm, từ nhiều hãng, từ nhiều nhà bán hàng từ nhiều nước khác nhau.
- Tận dụng được phương thức thanh toán vận chuyển tiên tiến, đến từng ngõ ngách trong đất nước.
- Mua hàng từ các nhà phân phối, các nhà bán hàng uy tín, có thể bảo hành tại tất cả trung tâm bảo hành ủy quyền chính hãng giá rẻ hơn.
Nhược điểm:
Người bán hàng:
- Hiện nay có rất nhiều khách hàng trẻ tuổi, đôi khi đặt hàng kiểu như “đặt cho vui miệng”, tận dụng hình thức COD ( giao hàng nhận tiền) , từ chối nhận hàng, tốn nhiều công sức để soạn hàng, đóng gói, gởi hàng, tốn tiền phí chuyển hoàn. Khi mà văn hóa hay nền tảng đạo đức không đặt lên hàng đầu và cũng không có phương pháp nào để ngăn chặn việc này, vì vậy tỉ lệ đặt hàng mà không nhận hiện nay rất nhiều.
- Tốn một số % lớn khi bán hàng trên các trang thương mại điện tử. Ví dụ như bạn bán hàng trên lazada bạn phải tiêu tốn 10-13% trả cho bên lazada để bán hàng trên này.
- Đôi khi gặp phải khách hàng lừa đảo, nhận hàng tráo hàng trả về.
- Nếu mua bán hàng trên mạng, hoặc các trang mạng xã hội mà khách hàng để thông tin của họ để bạn liên hệ, dễ bị cướp tay trên, các nhà bán hàng khác sẽ cướp mất khách hàng của bạn.
- Dễ bị đối tác hay khách hàng review xấu, gây ảnh hưởng tới uy tín bán hàng. Xử lý khủng hoảng truyền thông cần rất nhiều thời gian và tiền bạc. Đôi khi phải chịu mất tiền nhưng bản thân mình lại không có lỗi.
- Thời gian từ xử lý đơn hàng, gởi hàng, nhận tiền thông qua các trang thương mại điện tử lâu hơn, so với bình thường.
- Tốn thêm chi phí đóng gói hàng hóa, bảo quả, và hàng hóa trên đường vận chuyển có thể bị hư hỏng do lỗi bên đối tác vận chuyển, ảnh hưởng uy tín người bán hàng.
Người mua hàng:
- Không kiểm tra được trực tiếp nguồn gốc hàng hóa, kiểm tra được chất lượng sản phẩm, dùng thử sản phẩm. Vì vậy nên trước khi mua hàng bạn cần kết hợp cả online để mua hàng, offline để đi dùng thửu sản phẩm, kiểm tra chức năng.
- Một số trường hợp bị lừa đảo, gởi tiền nhưng không nhận được hàng, mất tiền hàng, mất tiền cọc mua hàng. Khi mà bạn quá tin vào thông tin người bán hàng giao cho bạn, cách tốt nhất là giao dịch qua bên trung gian hoặc kiểm tra kĩ thông tin người bán và người mua, xác định thông tin người bán bằng hình ảnh kèm thông tin cá nhân.
- Tốn thời gian, nhiêu khê nhiều công đoạn khi đòi lại tiền. Tố cáo kẻ lừa đảo khi mà luật pháp Việt Nam còn lỏng lẽo.
- Bảo hành sản phẩm về hàng điện tử, gia dụng khó hơn, tốn chi phí vận chuyển, chuyển hoàn tới các trung tâm bảo hành.Khi địa phương bạn không có bảo hành, do các sản phẩm này hầu hết là các sản phẩm to lớn, cồng kềnh.
- Một số trường hợp mua hàng được giá rẻ, hay có mã giảm giá nhưng gặp lỗi khi mua hàng hay đặt được hàng nhưng không nhận được hàng. Thường xảy ra khi có một số nhà bán hàng không cập nhật đúng số lượng sản phẩm, hãy quản lý tốt mã giảm giá. Thường thì bên bán hàng sẽ giảm giá hay tặng mã giảm giá cho bạn vào lần mua tiếp theo nhưng không nhiều. Việc đòi quyền lợi cao lên khó khăn.
- Mua phải hàng giả, hàng bị lỗi hàng rơi vỡ thời gian xử lý đổi trả tốn kém thời gian. Thông thường thì khi mua hàng tới lúc nhận hàng các tối tác ở HCM, HN thì tầm 2-4 ngày, lâu hơn nếu bạn ở tỉnh lên đến 7 ngày và thời gian đổi hoàn tầm 1-2 tuần.
- Tiền phí chuyển hàng để bảo hành tốn khá nhiều, trường hợp nếu mua hàng nước ngoài. Tiền vận chuyển bảo hành, nhận hàng về tốn khá nhiều chi phí, vì vậy bạn cần cân nhắc cái lợi trước mắt và lâu dài để chọn hàng mua.
3. Một số kênh mua hàng trên mạng
Mua từ các trang thương mại điện tử (B2C):
Đây là hình thức bán hàng theo mô hình B2C hoặc Market Place, tiêu biểu là các website thương mại điện tử như : lazada, adayroi, tiki, yes24, lotte, shopee
Có 2 loại hình thức bán hàng:
- Bên nhà phân phối ủy quyền cho bên trang thương mại điện tử bán hàng của họ. Bảo hành theo bên hãng bán hàng, và trang thương mại điện tử làm người trung gian bán hàng, giao hàng, nhận hàng để bảo hành.
- Một số nhà bán hàng, bán thông qua gian hàng của trang thương mại điện tử: các cửa hàng hay nhà phân phối, công ty đăng hàng lên bán trên các trang thương mại điện tử, khi có người dùng mua hàng, thì bên trang thương mại điện tử sẽ tiến hành thông báo đến nhà bán hàng, tiến hành chuẩn bị sản phẩm, đóng gói dán tem, điền thông tin. Bên trang TMDT sẽ tiến hành tới nhận hàng về trung tâm phân phối để tiến hành đóng gói lại, thêm thông tin người nhận. Gởi đến các đối tác vận chuyển, hay các đối tác vận chuyển, họ tiến hành vận chuyển thu tiền. Thông báo về bên trang TMDT.
Mua hàng trên các trang bán hàng của nhà bán hàng ( B2C ):
Là hình thức bán hàng từ cửa hàng hay nhà phân phối bán trực tiếp đến tay khách hàng, cửa hàng và nhà phân phối quyết định hình thức mua hàng, nhận tiền, giao hàng trực tiếp với khách hàng. Tiêu biểu là các website bán hàng thông thường trên thị trường như: phongvu, tandoanh, các nhãn hàng.
Mua hàng trên các chợ trung gian ( C2C ):
Người bán hàng cần bán món hàng chỉ cần lên các website thương mại điện tử trung gian để đăng tin về món hàng cần bán , khách hàng tìm hiểu thông tin người bán và liên hệ giao dịch. Như các sàn như: chotot, vatgia, 5giay, nhattao…
Ngoài ra còn một số trang kết hợp cả 2 mô hình B2C và C2C tiêu biểu như: sendo…
4. Các phương thức mua hàng
Mua hàng trực tiếp trên công cụ trang thương mại điện tử.
Bạn truy cập vào các trang thương mại điện tử ở trên hoặc trang của người bán hàng, bạn chọn sản phẩm, chop vào giỏ hàng, thêm mã giảm giá nếu có và tiến hành đặt hàng, điền các thông tin và chọn phương thức thanh toán vận chuyển. Và chờ bên trang TMDT xác nhận đơn hàng ( tùy trang) và hỏi thêm các thông tin cá nhân để xác nhận, và các ghi chú về đơn hàng nếu có. Bên bán hàng sẽ tiến hành đóng gói, vận chuyển, thu tiền, giao hàng cho bạn sau một thời gian nào đó.
Nếu bạn đặt từ các trang này thì các bạn có thể được bảo vệ quyền lợi của mình, nên chọn hình thức COD hoặc giao dịch qua kênh trung gian để giảm thiểu rủi ro khi mua hàng.
Tìm theo thông tin người bán hàng trên các trang thương mại điện tử tự liên hệ đặt hàng.
Hình thức này bạn và người bán hàng tự liên hệ với nhau, chọn món hàng, chọn phương thức giao hàng thanh toán. Thường thì hình thức này bên bán sẽ thu tiền cọc của bạn khi giao hàng COD hoặc nếu bạn chuyển khoản trước khi nhận hàng thì nên check thông tin bên bán hàng có uy tín hay không.
5. Phương thức thanh toán
- Giao hàng nhận tiền (COD): Người bán hàng đóng gói sản phẩm, điền thông tin người mua hàng, và đem đến các đối tác vận chuyển, gởi theo hình thức COD. Khi người mua nhận hàng, sẽ phải trả tiền hàng và trả tiền thu hộ. Nếu người mua không thích hay không chấp nhận sản phẩm lỗi sẽ không phải trả tiền. Bên bán hàng sẽ nhận lại hàng, trả tiền phí 2 chiều.
- Phương thức thanh toán qua ngân hàng: Người bán và người mua tự chuyển khoản số tiền cho nhau, bao gồm phí vận chuyển hoặc miễn phí tùy trường hợp.
- Hình thức thanh toán qua kênh trung gian như baokim, ngân lượng hay ví momo hay tài khoản trên trang thương mại điện tử. Người mua hàng sẽ trả tiền, hoặc lấy tiền từ các tài khoản chuyển cho tài khoản bên bán hàng hoặc bên trang TMDT, các bên này sẽ giữ tiền cho bạn sau một thời gian nếu nhận hàng và đồng ý họ sẽ chuyển tiền cho người bán hàng.
- Thanh toán trả góp thông qua tài khoản ngân hàng hoặc thẻ visa.
6. Phương thức giao hàng
Giao hàng bằng người của bên cửa hàng hay nhãn hiệu:
Chỉ áp dụng cho các vùng thành phố lớn nơi cửa hàng hoặc bên bán hàng có cửa hàng hoặc có kho, có sẵn nhân viên vận chuyển. Để giảm thiểu chi phí thông qua bên trung gian, tận dụng được nhân viên rảnh rỗi. Hoặc giao hàng bằng grabbike hay uber.
Giao hàng thông qua các đơn vị vận chuyển
Các đơn hàng từ bên nhà bán hàng sẽ được đóng gói gởi đến các đơn vị vận chuyển trong nước, hoặc nước ngoài để vận chuyển đến cho bạn. Các đơn vị trong ngành hiện nay phần lớn là: Viettel Post, EMS, Giaohangnhanh…
Có các loại hình thức giao hàng thường, giao hàng nhanh và giao hàng có thu hộ (COD) , các bạn nên kiểm tra hàng hóa trước khi thanh toán tùy theo bạn và bên nhà bán hàng qui định với nhau trước để giảm thiểu rủi ro khi mua phải hàng bị rơi vỡ, hoặc rơi vỡ trong lúc vận chuyển. Có nhiều bạn mua hàng không kiểm tra hàng gặp phải đơn vị vận chuyển không bảo quản tốt hư hại là có nhiều, rất phiền hà khi xử lý.
Bạn nên sử dụng hình thức COD khi không chắc về bên bán hàng, hoặc nếu bạn đã tin tưởng bên bán hàng nên chuyển khoản trước tiền hàng để tránh tiền phí thu hộ. Nên gộp nhiều sản phẩm trên một lần vận chuyển để giảm tối đa chi phí. Mua hàng trên các trang thương mại điện tử có hỗ trợ chi phí vận chuyển.
7. Một số lưu ý khi mua hàng trên mạng
- Kiểm tra thông tin về sản phẩm bạn cần mua có hàng tại Việt Nam hay không, nguồn gốc xuất xứ của món hàng. Nhà phân phối nào ra sao, có trung tâm bảo hành ra sao. Và trước nay có phốt về sản phẩm hay nhà bán hàng nào hay chưa.
- Kiểm tra thông tin nhà bán hàng, yêu cầu thông tin thật, nếu cảm thấy người bán hàng không đủ thông tin về sản phẩm, thông tin người bán hàng không đúng, địa chỉ không rõ ràng không nên mua hoặc chuyển tiền qua các bên trung gian.
- Nên mua thông qua các trang bán hàng uy tín, các sàn thương mại điển tử có bảo vệ người tiêu dùng, giữ tiền từ nhà bán hàng, có xử lý việc mua hàng nhận hàng.
- Luôn luôn kiểm tra hàng trước khi nhận hàng từ bên vận chuyển, xem có đúng món hàng mình cần mua hay không, có bị rơi vỡ, bị hỏng hóc hay kém chất lượng, trước khi kí nhận.
- Lựa chọn phương thức thanh toán an toàn nhất, nếu cảm thấy bên bán hàng không đủ tin tưởng nên sử dụng hình thức thanh toán COD. Hay thông qua kênh trung gian giao dịch.
- Nên ưu tiên các sản phẩm chính hãng, có trung tâm bảo hành đàng hoàng, mua từ các sàn uy tín, nếu chính trang đó bán hàng thì ưu tiên hơn.
- Tận dụng được mua online giá rẻ kèm nhận hàng offline như điện máy xanh, thế giới di động.Mình sẽ viết một bài hướng dẫn mọi người tận dụng lợi thế này ở một bài viết sau.
- Luôn kiểm tra xem giá sản phẩm muốn mua là rẻ nhất hay chưa có xài được mã giảm giá, có khuyến mãi tặng quà kèm hay không. Và nên chọn nơi mua uy tín, chưa chắc rẻ nhất là an toàn hay tốt nhất, nên chọn theo độ tin tưởng, mức độ tương tác, đánh giá của người dùng.
8. Kinh nghiệm mua hàng giá rẻ nhất
- Trước tiên bạn quyết định chọn món hàng cần mua, đừng mua theo cảm tính, kiểm tra về thông tin sản phẩm, chức năng và tác dụng của sản phẩm có đúng như giá tiền nó mang lại hay không.
- Kiểm tra sản phẩm có bảo hành hay nhà phân phối chính hãng tại Việt Nam. Và các sản phẩm hay nhà phân phối, bảo hành này có lùm xùm trong quá khứ hay không.
Kiếm các nơi bán hàng rẻ nhất, chọn lọc, ra những nơi đáng mua. - Kiểm tra thêm có khuyến mãi, có sử dụng được mã giảm giá.
- Tìm mã giảm giá để có giá tốt nhất, nên kiểm tra xem có phí vận chuyển và có nhiều không, đôi khi sản phẩm giá rẻ ở trang này nhưng giá vận chuyển cộng lại đắt hơn ở các trang khác.
9. Kết luận
Hình thức bán hàng, mua hàng nào cũng có những ưu điểm và khuyết điểm. Nhưng làm sao tận dụng được hết những ưu điểm, hạn chế được nhiều nhất những khuyết điểm.
Hi vọng các thông tin trên sẽ giúp bạn có những cái nhìn toàn diện, để có thể sử dụng kênh mua hàng online. Mình sẽ có những bài viết để các bạn có thể mua hàng online từ các trang thương mại điện tử lớn ở Việt Nam, trong các bài tới hi vọng các bạn đón xem.